Các ngành hàng như thời trang, đồ điện tử, buôn bán vật liệu xây dựng, cho thuê nhà… vẫn trong cảnh ế ẩm vì “tháng ăn chơi”.

Nhân viên cửa hàng thời trang ngồi chơi vì vắng khách. 	Ảnh: Chí Cường
Nhân viên cửa hàng thời trang ngồi chơi vì vắng khách. Ảnh: Chí Cường

Thời trang hiu hắt

Ngày 10/3, dạo quanh những con phố lớn chuyên doanh ngành hàng thời trang ở Hà Nội như Xuân Thủy, Cầu Giấy, Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Phạm Ngọc Thạch… mới thấy cảnh hiu hắt. Dừng lại giữa phố Phạm Ngọc Thạch - cửa hàng bán quần áo thời trang công sở H.M vốn nổi tiếng đắt khách, chúng tôi ngạc nhiên vì đã qua Rằm tháng Giêng nhưng cửa hàng vẫn đóng cửa. Gọi cho chủ cửa hàng, chị phân bua: “Mùng 6 Tết tôi mở cửa hàng, nhờ người đến mua lấy ngày, rồi mùng 7, mùng 8 Tết đều bán hàng bình thường mà không có một khách nào ghé thăm. Buồn quá lại đóng cửa. Ngày 16 Âm lịch lại mở cửa bán hàng nhưng chẳng bán được cái nào. Cuối năm mọi người đã mua quần áo chưng diện hết rồi. Trời lại mưa triền miên, khách hàng cũng ngại đi mua sắm vì quá nhếch nhác nên ế lắm. Tôi định nghỉ hết tháng Giêng mới bán hàng trở lại”. Cũng theo chủ cửa hàng thời trang này thì dù những ngày mở cửa bán hàng sau Tết Nguyên đán đều đề biển giảm giá 30-45%, lì xì cho khách hàng… nhưng vẫn vắng hoe, vắng ngắt.

Ghi nhận của chúng tôi tại một số điểm khác như trung tâm Vinatex (Bà Triệu) - điểm giới thiệu và bán quần áo của Tổng công ty Dệt may Việt Nam, BigC Thăng Long, Parkson, gian hàng bán quần áo của Pico Xuân Thủy, đại lý giầy Thượng Đình… tất cả đều trong cảnh vắng khách.

Tương tự, các shop quần áo, các cửa hàng sửa chữa, bán xe máy, đồ điện tử, cửa hàng thời trang tóc, cửa hàng bán vật liệu xây dựng… cũng tạm dừng công việc kinh doanh đến hết tháng Giêng. Bà Nguyễn Thị Lý, chủ cửa hàng sơn Việt Lý (phố Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho biết: “Đầu năm chẳng ai có nhu cầu sơn, sửa nhà vì đều là việc họ đã làm hết trong năm nên tôi mở hàng từ sớm mùng 6 Tết, phải nhờ người đến mua “lấy vía” một hộp sơn nhỏ 3 lít”. Bà Lý bảo, người mua "lấy vía" hộp sơn nói trên cũng chẳng có nhu cầu dùng nên khoảng cuối tháng họ sẽ mang trả lại. Thế nên, bây giờ bà vẫn đóng cửa hàng đi thăm quan thắng cảnh và ăn chơi cho qua... tháng Giêng.

Phòng trọ, cửa hàng cho thuê ế thảm

Đi dọc nhiều tuyến phố hay các ngõ ngách Hà Nội cũng xuất hiện nhan nhản biển cho thuê phòng trọ, cho thuê nhà hay cho thuê cửa hàng… Tuy nhiên, đây chủ yếu là những tuyến đường xa các trường đại học thuộc các khu trọ dành cho người lao động ngoại tỉnh như xã Kiều Mai, xã Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm); Phùng Khoang (quận Thanh Xuân); thị trấn Cổ Điển (Đông Anh)…

Bà Nguyễn Thị Lê, chủ khu nhà trọ ở Phùng Khoang cho biết: “Tôi có gần 30 phòng trọ, chủ yếu cho công nhân, người lao động thuê mà đến giờ vẫn trống tới quá nửa. Nhiều người về quê ăn Tết vẫn chưa muốn ra đi làm. Hơn nữa, đầu năm cũng chưa có nhiều việc nên họ vẫn ở nhà xum tụ với gia đình. Hy vọng qua tháng Giêng thì phòng trọ của tôi mới kín khách”.

Ông Lê Văn Thế (phường Kiều Mai, quận Bắc Từ Liêm) cũng chia sẻ: “Nhà tôi có 20 phòng trọ mới cho thuê chưa đầy năm. Vì muốn các phòng ở ổn định nên thường chỉ dành cho gia đình thuê, không cho sinh viên hay các đối tượng khác thuê. Thế nhưng, trong năm các gia đình mua được nhà mới, họ đã chuyển đi và đến giờ vẫn chưa có khách thuê. Bây giờ mới có 3 phòng có người ở, chờ thêm ít ngày, nếu không có khách ưu tiên thì cũng không dám kén khách nữa. Phải cho thuê càng sớm càng tốt để kéo lại vốn”.

Không chỉ phòng trọ mà nhiều cửa hàng, ki ốt vẫn chưa có khách đến thuê. Đơn cử, dọc phố Trương Định, Bạch Mai, Tây Sơn... có tới hàng chục cửa hàng đang bỏ trống treo biển cho thuê. Tuy nhiên, việc tìm khách thuê thời điểm này không dễ. Bởi thông tin từ nhiều chủ cho thuê chia sẻ, đầu năm nhu cầu mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ chưa cao nên những người bắt đầu kinh doanh sẽ không chọn thời điểm này để khai trương mà những người chuyển đổi cửa hàng cũng sẽ không mạo hiểm đặt tiền thuê cửa hàng từ bây giờ vì yếu tố cầu quá kém.

Theo khảo sát, giá thuê phòng trọ tại khu vực quận Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng vẫn ổn định từ 1,2 – 2,5 triệu đồng/phòng, tùy vào diện tích. Giá thuê cửa hàng ở khu vực Cầu Giấy thường từ 8- 12 triệu đồng/cửa hàng, tùy diện tích; Cửa hàng ở khu Chùa Bộc, Thanh Xuân cũng có mức giá cho thuê tương tự, chưa tính chi phí điện, nước hàng tháng.

Có không ít khu trọ vắng khách đã được chủ trọ chuyển công năng như cho chủ tiệm cầm đồ thuê làm chỗ để xe máy, làm kho chứa hàng... Không khí kinh doanh ảm đạm đầu năm đang khiến không ít chủ hàng thở dài ngao ngán.

Có khá nhiều căn hộ chung cư mini hoặc chung cư thương mại đã điều chỉnh giảm giá cho thuê vì quá vắng khách. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ khu chung cư mini Cầu Giấy cho biết: “Giá cho thuê ở đây vẫn từ 3-3,5 triệu đồng/tháng/căn với diện tích từ 30- 40m2 nhưng khách cứ đến hỏi lại đi hoặc chê đắt không thuê nên tôi quyết định điều chỉnh giá. Để phòng trống dài ngày thế này cũng sốt ruột lắm”.

Mai Hạnh

(Theo: boiduongvanhoa.edu.vn)