Mỗi khi có thông tin nói về một cậu bé có khả năng đọc báo hay làm toán khi mới ba hay bốn tuổi và coi đó như là thần đồng, nhiều bà mẹ Việt vội tán đồng và ao ước điều kỳ diệu ấy có thể xảy ra với con mình. Nhưng ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, những bà mẹ trẻ được tiếp xúc với những phương pháp dạy trẻ thông minh sớm thì chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi một đứa trẻ bốn tuổi biết đọc, biết cộng trừ và biết luôn cả tiếng Anh. Vì đơn giản đó là vấn đề phương pháp và môi trường giáo dục được tạo lập một cách khoa học cho trẻ.
Mọi đứa trẻ bắt đầu học từ khi chúng lọt lòng mẹ. Chúng học những bài học đầu tiên về sinh tồn, về quan sát và giao tiếp với người và vật ở xung quanh, về kỹ năng sống và sau đó là kỹ năng để làm các công việc đơn giản, rồi đến kỹ năng học hành... Dù làm hay chơi bất cứ điều gì, trẻ con luôn học, chỉ có điều chúng học gì?
![]() |
Trẻ luôn tiếp thu và học hỏi từ khi còn rất nhỏ, nên mỗi gia đình cần quan tâm dạy dỗ con sớm. |
Cách đây hàng trăm năm, từ những năm đầu thế kỷ XX, Maria Montessori, một nhà giáo dục người Italia, đã dạy hàng trăm đứa trẻ biết đọc, biết viết và làm toán... từ khi chúng mới bốn tuổi. Và ngày nay, những đứa trẻ “thần đồng” như vậy đã không còn là đặc biệt, mà thực tế đã chứng minh chúng hoàn toàn có thể học để làm chủ kiến thức đó ngay từ khi còn rất nhỏ. Điều kỳ diệu này cũng đến đối với hầu hết các gia đình mà cha mẹ quan tâm tới việc dạy con một cách khoa học ngay từ một tuổi. Gia đình chính là nền tảng giáo dục kiến thức phổ thông đầu tiên cho con trẻ.
Nhiều cha mẹ ở Mỹ dành thời gian đọc sách cho con từ khi mới lọt lòng. Họ cho những đứa trẻ một tuổi chơi với sách, rồi nói chuyện với những đứa con một tuổi của mình về cuốn sách mà chúng đang chơi. Nhìn bề ngoài có vẻ như đứa trẻ chưa biết gì hoặc chưa tiếp thu được gì. Nhưng sự thực là thông tin vẫn đi vào đứa trẻ theo cách này hay cách khác.
Nếu như Việt Nam, khi những đứa trẻ lên ba cầm những cuốn sách rồi nói những điều không liên quan thì bố mẹ sẽ dẹp bỏ, thì ở Mỹ cả cha mẹ và trường học vẫn luôn lắng nghe và khuyến khích bằng cách đưa thêm sách để đứa trẻ đó tiếp tục xem và kể chuyện dù nội dung trẻ nói khác với sách. Kết quả là những đứa trẻ sống trong môi trường của sách vở đều biết mặt chữ từ rất sớm và có thể đọc tốt từ năm lên 3 hoặc 4 tuổi. Có lẽ vì thế mà chúng ta luôn dễ dàng thấy người Mỹ nói riêng và những người phương Tây nói chung luôn cầm cuốn sách trong tay, và luôn đọc.
Văn hóa này giúp đửa trẻ có kỹ năng đọc sách từ sớm và nó hỗ trợ đắc lực cho việc học tập suốt đời của mỗi con người trong nền giáo dục ấy. Ở Mỹ, trẻ con được cung cấp miễn phí nhiều đầu sách cho đến năm 5 tuổi. Ở tuổi lớn hơn, cả phụ huynh, giáo viên và học sinh đều được tiếp cận dễ dàng tới các kho học liệu rất phong phú, chất lượng, được cập nhật liên tục và hoàn toàn miễn phí... thông qua các trang web giáo dục do chính phủ cung cấp.
Người sử dụng chỉ cần truy cập từ bên trong nước Mỹ, hoặc có mã số của trường học ở Mỹ là có thể truy cập vào những kho học liệu khổng lồ và rất chất lượng đó. Các kho học liệu trực tuyến đó giúp cho bất cứ ai muốn tìm hiểu bất cứ tri thức gì đều có thể dễ dàng tiếp cận mà không có trở ngại về tiền bạc, không gian, thời gian hay thời lượng. Từ trong gia đình và nhà trường, rộng hơn là chính sách hỗ trợ học tập suốt đời của quốc gia... đã tạo ra một điều kiện thuận lợi để thúc đẩy một xã hội học tập.
Trước sự bùng nổ tri thức, các quốc gia phát triển đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng xã hội học tập của riêng mình: ngay từ năm 1973, các nước OECD đã đưa ra sáng kiến xây dựng thành phố giáo dục với một số thành phố đầu tiên thuộc các nước thành viên của OECD được mời tham gia là Admonton (Canada), Gothenburg (Thụy Điển), Vienna (Áo), Andelaide (Autralia), Pittsburgh (Mỹ) hay Kakegawa (Nhật Bản), sau đã phát triển rộng khắp ra cộng đồng các nước phát triển trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, trước khi đi đến một xã hội học tập đúng nghĩa, chúng ta cần xây dựng và thổi vào các gia đình Việt Nam tư duy về một gia đình học tập. Ở đó việc học không chỉ là việc của những người trong độ tuổi cắp sách tới trường, mà nó là việc của cả cha mẹ và có thể là cả ông bà.
Không ai có thể làm việc suốt đời với kiến thức và kỹ năng được trang bị trong khoảng hơn 20 năm đầu đời. Mọi người đều cần phải trở lại “nhà trường” để học tập trang bị kiến thức và kỹ năng mới khi thách thức công việc trở nên phức tạp hơn. Vấn đề quan trọng bậc nhất là trang bị cho con người kỹ năng học tập ngay từ tấm bé và tạo môi trường thuận lợi cho việc học tập suốt đời có thể dễ dàng được thực hiện ngay khi con người nảy sinh nhu cầu.
Câu hỏi đặt ra là liệu phụ huynh đã thực sự quan tâm và được trang bị với việc xây dựng môi trường giáo dục tri thức và kỹ năng cho các thành viên trong gia đình một cách khoa học hay chưa? Những vấn đề thuộc về khoa học tạo lập môi trường giáo dục trong gia đình với việc đánh giá chính xác năng lực tư duy mạnh yếu của con trẻ trong khoảng 8 loại năng lực tư duy khác nhau của mỗi con người, hay việc chỉ ra được phong cách học tập cá nhân phù hợp với từng đứa trẻ và cao hơn nữa là việc dạy trẻ phát triển trí thông minh, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực logic bậc cao... đều là các vấn đề khoa học và phụ huynh đều có thể học hỏi trong thời gian ngắn để tạo lập môi trường cho con.
Gia đình là hạt nhân của xã hội. Mỗi gia đình học tập được xây dựng thành công, chúng ta có cơ sở để đến gần hơn một xã hội học tập thực thụ của Việt Nam.
Nguyễn Anh Đức
CEO Công ty Smartcom Việt Nam
(Theo: boiduongvanhoa.edu.vn)