PGS Văn Như Cương cho rằng, hàng loạt những “sáng kiến” làm thay đổi giáo dục trong thời gian gần đây sẽ làm giảm áp lực, thậm chí “tiêu diệt” động lực học tập của học sinh.

PGS Văn Như Cương vừa chia sẻ quan điểm lo ngại, thậm chí theo ông đó còn là mối nguy có thể xảy ra sau hàng loạt sự thay đổi, đổi mới của ngành giáo dục đang áp dụng hiện nay nhằm mục đích giảm tải cho học sinh.

Trên trang cá nhân, PGS Cương chia sẻ: “Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều quyết định để làm “giảm áp lực cho học sinh”. Xin kể ra đây một số: Không chấm điểm ở cấp một, thay vào đó là các lời nhận xét; Tổng kết cuối năm học chỉ có hai mức: đạt và không đạt; Không thi học sinh giỏi ở cấp Tiểu học; Không thi tuyển sinh vào lớp 6; Cấm giao bài tập về nhà cho HS (cấp Tiểu học); Không xếp loại bằng Tốt nghiệp THPT: loại Giỏi, loại Khá hoặc loại Trung bình; Ghép hai kì thi Tốt nghệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thành một kì thi…”.

Cuối bài viết, PGS Cương bày tỏ rõ quan điểm lo lắng: “Tuy nhiên, không biết rằng làm như vậy có giảm áp lực đối với học sinh hay không, nhưng chắc chắn là sẽ làm giảm (thậm chí là tiêu diệt) động lực học tập của học sinh. Đi học mà không có động lực để phấn đấu thì nguy to…”.

Đây không phải lần đầu PGS Văn Như Cương thổ lộ sự lo lắng của mình sau hàng loạt “quyết sách” của Bộ GD&ĐT. Trước đó, chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, PGS Cương cho rằng cách áp dụng bỏ chấm điểm tiểu học cũng nảy sinh nhiều bất cập, cộng với cách đánh giá xếp loại học sinh hiện nay dễ rơi vào tình trạng các trường làm qua loa, “cào bằng” trong các nhà trường. Như vậy, học sinh thiếu tính động lực học tập, không được khẳng định mình qua xếp loại…

Trên thực tế, trong thời gian qua, Báo GĐ&XH cũng đã có nhiều bài viết mà PGS Văn Như Cương đã liệt kê, lo ngại như đã nói ở trên. Việc loại bỏ “bệnh thành tích” trong giáo dục là điều cần thiết, song bài toán giảm áp lực, hướng tới nâng cao năng lực của học sinh vẫn đang là sự “loay hoay” của ngành giáo dục. Bởi vấn đề cốt lõi trong đổi mới giáo dục đó là thay đổi chương trình, sách giáo khoa bậc học phổ thông đến nay vẫn chỉ là sự chắp vá, “cắt xén”.

Một trong những vấn đề “nóng” hiện nay đó là Quy chế chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vẫn chưa được ban hành, trong khi hàng triệu thí sinh cùng người nhà chờ đợi thì Bộ GD&ĐT liên tục có nhiều thông tin khác nhau với các dự kiến và tiếp thu ý kiến, “số phận” của thang điểm 10 hay 20 thậm chí cũng chỉ là chuyện nói miệng của ngành giáo dục. Còn với học sinh, các thí sinh vẫn chưa biết phải học ra sao, ôn tập thế nào để đáp ứng theo đề thi của kỳ thi “2 trong 1” năm nay.

Những trăn trở của PGS Văn Như Cương về động lực của học sinh có giảm, hay bị “tiêu diệt” hay không hẳn là đã có cơ sở, sẽ có kết quả trong thời gian tới. Nhưng cái thấy được đó là cả vài tháng nay, hàng triệu học sinh khối 12 đang lâm vào cảnh học mà không biết học gì, ôn gì trước cái mông lung của cấu trúc đề thi, thang điểm thế nào trong kỳ thi sắp tới.

T.Hằng

(Theo: boiduongvanhoa.edu.vn)