Theo ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, mẫu đề thi THPT Quốc gia 2015 đã phân hóa được thí sinh, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào ĐH-CĐ. Tuy nhiên, ở từng môn thi cụ thể vẫn còn những ý kiến phân vân về mức độ khó, dễ và tính hợp lý của đề thi.
Có sự thay đổi cơ cấu điểm
Theo đánh giá của một số giáo viên THPT, đề thi mẫu của một số môn xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý vừa được Bộ GD&ĐT công bố đã có sự đổi mới theo hướng phát triển tư duy của học sinh. Như vậy, học sinh sẽ giảm bớt khó khăn trong quá trình ôn tập, cũng như vận dụng các kiến thức vào bài thi. Với cách ra đề thi bám sát chương trình THPT, đặc biệt là chương trình lớp 12, học sinh hoàn toàn có thể ôn tập tại trường hoặc tự ôn. Tuy nhiên, học sinh cũng cần lưu ý tới những sự thay đổi trong đề thi để có kế hoạch ôn tập hiệu quả.
Đặc biệt là ở môn Ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: “Nhìn chung, mẫu đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2015 cơ bản giống như đề thi của năm 2014, chủ yếu nằm trong nội dung chương trình THPT, tuy nhiên có sự thay đổi về điểm số nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay. Vì thế, các em cần phải “làm chủ” kiến thức để bố trí thời gian làm bài cho phù hợp, tránh viết lan man, không đáp ứng được nội dung của đề ra”.
TS Trịnh Thu Tuyết cho biết thêm, ở phần I (đọc hiểu), đề thi năm nay tăng 1 điểm so với năm trước nhằm đáp ứng nhu cầu thực hành văn học của xã hội. Tuy nhiên, các em cũng cần lưu ý tới sự huy động kiến thức thẩm định, cảm nhận văn học, kiến thức tiếng Việt… đặc biệt là ôn tập bao quát từ THCS tới THPT. Câu đọc hiểu tăng điểm nên các em phải tăng thời gian để hoàn thành, nhưng tránh viết lan man không đúng trọng tâm.
“Câu nghị luận xã hội (câu 1, phần II) tương đối phù hợp, do các em được “va chạm” với thực tiễn cuộc sống. Các em hoàn toàn chủ động, được bày tỏ quan điểm của mình. Cái cần nhất là tư duy theo hệ thống, thường xuyên cập nhật kiến thức ngoài xã hội như xem trên tivi, báo đài… Còn đối với câu nghị luận văn học (câu 2, phần II), nội dung đề ra chủ yếu là ở phạm vi lớp 12, đề cũng ra theo hướng mở, theo khả năng sáng tạo của các em. Dù câu này đã bớt đi 1 điểm so với năm trước, song các em không được chủ quan, không thể bớt ý của bài, phải đủ nội dung, viết hàm súc”, TS Trịnh Thu Tuyết chia sẻ thêm.
Khó đạt điểm cao
Về mẫu đề thi môn Toán, PGS Văn Như Cương (Chủ tịch HĐQT Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết: “Kiến thức trong đề thi mẫu chủ yếu thuộc về lớp 12. Có gần 60% những câu hỏi cơ bản, còn lại khoảng 40% câu hỏi nâng cao. Những câu hỏi nâng cao đã phân hóa được học sinh khá, giỏi, trung bình. Học sinh muốn kiếm được điểm tuyệt đối là không dễ”.
Theo PGS Văn Như Cương, với cấu trúc đề thi ở môn Toán, những thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT hoặc với thí sinh học thiên về các môn xã hội thì để đạt điểm cao môn Toán là rất khó. Cấu trúc đề thi thế này, thí sinh học lực trung bình có thể làm được tầm 4 điểm, cộng thêm với điểm học bạ, các môn khác nữa là đủ đỗ tốt nghiệp THPT. Còn với những thí sinh dự thi để xét tuyển vào ĐH-CĐ muốn đạt điểm cao, ngoài nắm chắc kiến thức phải học thêm các “mẹo” để giải các câu khó.
“Tính phân loại học sinh của đề là hơi thấp, thể hiện ở ba-rem điểm. Chẳng hạn, với câu khảo sát hàm số cho điểm từng bước nhỏ học sinh làm được, nhưng lại có câu 1,0 điểm thì nếu đúng thì đạt được, không thì không cho điểm... Trong khi điểm thi chúng ta đang đặt ra yêu cầu là phân loại từng 0,25 điểm và không làm tròn. Chỉ hơn kém 0,25 điểm trong tổng số các môn thi đã có thể quyết định đỗ trượt của 1 thí sinh vào đại học”, PGS Văn Như Cương phân tích thêm.
Một số giáo viên THPT đánh giá, cấu trúc đề thi của các môn thi theo hình thức trắc nghiệm có sự thay đổi đáng kể so với năm trước. Cụ thể, đề thi có số lượng câu nhiều hơn, trong đó “cài cắm” nhiều câu khó, buộc thí sinh phải tính toán, cân nhắc giữa các đáp án… Thí sinh cần lưu ý trong quá trình làm bài phải sắp xếp thời gian khôn khéo, đọc lướt qua bài thi, xem phần nào dễ làm trước, đáp án khó giải sau, đặc biệt là không nên bỏ trống đáp án.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, mẫu đề thi THPT Quốc gia 2015 phù hợp với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm câu hỏi khó, bao nhiêu phần trăm câu hỏi dễ. Đề thi sẽ không hỏi máy móc như các năm trước mà yêu cầu khả năng vận dụng, suy luận, đối chiếu, cập nhật kiến thức của thí sinh. Theo đó, thí sinh không nên đi học thêm, đặc biệt là luyện thi.
Phạm Nhung/Báo Gia đình & Xã hội
(Theo: boiduongvanhoa.edu.vn)